Những người không tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 không chỉ mạo hiểm với sức khỏe của họ mà còn là mối nguy hiểm với cộng đồng nếu họ nhiễm virus, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cảnh báo. Điều này là bởi nguồn duy nhất của các biến chủng SARS-CoV-2 là cơ thể người nhiễm bệnh.
"Người không tiêm vắc xin có nguy cơ trở thành các nhà máy sản xuất biến chủng", William Schaffner, giáo sư tại Khoa Bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, cảnh báo. Chuyên gia này nhấn mạnh: "Càng nhiều người không tiêm chủng, virus càng có cơ hội sinh sôi và đột biến, và thậm chí có thể tạo ra đột biến mới nguy hiểm hơn".
Tất cả các virus đều biến đổi và hầu hết theo hướng suy yếu đi, nhưng vẫn có những trường hợp virus biến đổi theo hướng mang lại cho nó lợi thế hơn như lây lan nhanh hơn, khả năng lây nhiễm vật chủ đa dạng hơn. Nếu một đột biến đủ mạnh, nó sẽ trở thành biến chủng. Tuy nhiên, để làm được điều đó, nó cần lây lan và nhân rộng, khi đó, một người chưa tiêm chủng sẽ là điều kiện thuận lợi cho quá trình đó diễn ra.
"Mỗi lần virus biến đổi, nó sẽ có thêm một nền tảng khác để bổ sung thêm đột biến. Hiện giờ, chúng ta phải đối mặt với các biến chủng dễ lây lan hơn", Andrew Pekosz, một chuyên gia Đại học Johns Hopkins, nói.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước đó cũng cảnh báo, nếu chúng ta càng cho virus cơ hội lây lan, thì virus càng có thêm nhiều cơ hội tạo biến chủng.
Đến nay, WHO đã đưa 4 biến chủng của SARS-CoV-2 vào nhóm biến chủng "đáng lo ngại", gồm biến chủng từ Ấn Độ (Delta), biến chủng từ Anh (Alpha), biến chủng từ Nam Phi (Beta) và biến chủng từ Brazil (Gama). Đây là nhóm gồm các biến chủng có thể dễ lây lan hơn, có độc lực cao hơn hoặc dễ kháng vắc xin hơn.
Sự xuất hiện của biến chủng Delta đang tạo ra các làn sóng Covid-19 mới nghiêm trọng chưa từng có ở nhiều nước trên thế giới, thậm chí những nơi từng được coi là "thành trì" chống dịch. WHO cảnh báo, Delta có thể trở thành biến chủng trội toàn cầu trong những tháng tới.
Theo giới khoa học, các vắc xin hiện thời vẫn có hiệu quả ngăn ngừa đối với tất cả các loại biến chủng của virus SARS-CoV-2, nhưng điều đó có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Đó là lý do tại sao các bác sĩ và chuyên gia y tế khuyến cáo càng nhiều người tiêm chủng càng tốt.
Tuy nhiên, trong khi một số nước được đánh giá thành công trong chiến dịch tiêm chủng như Mỹ, Israel, Anh, nhờ nguồn cung vắc xin dồi dào và sớm triển khai tiêm chủng, nhiều nước khác vẫn chật vật đối phó tình trạng khan hiếm nguồn cung hay tâm lý e dè tiêm chủng của một bộ phận người dân. WHO kêu gọi các nước giàu chia sẻ vắc xin để thế giới có thể đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào năm sau. Hiện 3 tỷ liều vắc xin đã được phân phối, nhưng để đạt miễn dịch cộng đồng, thế giới cần ít nhất 11 tỷ liều.
Minh Phương
Tổng hợp