Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Câu nói đó của Người cho thấy, việc học và dạy lịch sử không chỉ để cho mọi người dân Việt Nam nhận biết rõ cội nguồn của mình, mà còn để bồi bổ, giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí tự tôn, tự hào dân tộc.
“Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương.
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương”...
(Người đi tìm hình của Nước – Chế Lan Viên)
Lịch sử là quá khứ, nhưng quá khứ là một hợp phần tất yếu của hiện tại; không có quá khứ thì cũng không có tương lai. Không biết gì về lịch sử, không học lịch sử, chúng ta sẽ không hình thành được thái độ trân trọng, tình cảm biết ơn và những việc làm tri ân đối với các vĩ nhân, danh nhân, các anh hùng, liệt sĩ. Không biết gì về lịch sử, chúng ta cũng không thể hiểu được, giải thích được bản chất của các hiện tượng, sự việc đang tồn tại, đang vận động và biến đổi không ngừng...
Thông qua lịch sử mà truyền cảm, thôi thúc các thế hệ học sinh phấn đấu vươn lên sao cho xứng đáng với sự mong đợi, kỳ vọng của các thế hệ cha ông...
Ngày 5-6-1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, với bản lĩnh của một người yêu nước cùng nhãn quan chính trị thiên tài, Nguyễn Tất Thành - Người thanh niên ưu tú của dân tộc đã bước chân lên con tàu Latouche-Treville bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng tỏ là sáng suốt, phi thường ấy...
Cuộc hành trình "Quyết chí ra đi tìm đường cứu nước" của Bác là bài học về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, sự quyết tâm và tự tin... Các con hãy thể hiện tình cảm yêu kính Bác Hồ bằng việc chăm ngoan, tiến bộ để mai sau xây dựng quê hương đất nước “sánh ngang với các cường quốc năm châu” như tâm nguyện của Người lúc sinh thời nhé!