Các tiết chuyên đề của khối lớp
2 đã được giáo viên trong tổ triển khai rất thành công. Cô Tôn Linh nhận nhiệm
vụ thực hiện chuyên đề môn Đạo đức lớp 2 với bài Quý trọng thời gian. Vậy cần
xây dựng kế hoạch bài dạy như thế nào? Yêu cầu cần đạt đối với học sinh ra sao?
Đặc biệt cần làm gì để tổ chức các hoạt động dạy học đạt hiệu quả để học sinh dễ
hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng nhất - điều đó đã khiến cho cô giáo Tôn Linh trăn trở
nhất là thực hiện dạy học trực tuyến trên phần mềm Zoom.
Vì vậy, để khởi động tiết dạy,
cô đã đưa học sinh đến với bài thơ Đồng hồ quả lắc đầy vui tươi và ý nghĩa.
Tới hoạt động Khám phá: Học sinh đã rất
ấn tượng với câu chuyện “Bức tranh dang dở”. Chỉ với 4 hình ảnh trong sách giáo
khoa, cô giáo Tôn Linh đã đưa học sinh đến với câu chuyện qua sự lồng tiếng bằng
lời kể của cô giáo trong vai người dẫn chuyện, lời hội thoại của hai bạn học
sinh (do hai con cô giáo lồng tiếng thật dễ thương). Đặc biệt, câu chuyện kể đến
đâu, lời thoại tới đó dù chỉ với một slide trên màn hình mà như một sân khấu sống
động, đầy cảm xúc đang diễn ra. Cả lớp hồi hộp, chăm chú lắng nghe.
Để giúp học sinh hiểu rõ hơn về ý nghĩa
của việc quý trọng thời gian, cô giáo đã đưa nhiều câu hỏi khai thác nội dung
câu chuyện. Bên cạnh đó, cô giáo cho học sinh tìm hiểu kĩ hơn về những biểu hiện
của việc quý trọng thời gian thông qua các hoạt động thảo luận nhóm, trình bày,
đóng vai, trò chơi …
Sau tiết học, chắc chắn các con học
sinh đã hiểu quý trọng thời gian là biết sử dụng thời gian một cách tiết kiệm
và hợp lý, vì thời gian đã trôi qua không bao giờ trở lại, cần sắp xếp các công
việc hàng ngày theo thời gian biểu, giờ nào việc nấy …
Doanh
nhân Harvey MacKay từng nói rằng: “Thời gian miễn phí, nhưng nó vô giá. Bạn
không thể sở hữu nó, nhưng bạn có thể sử dụng nó”. Quả đúng là như vậy.
Qua bài
học ý nghĩa và thiết thực của cô giáo Hoàng Tôn Diệu Linh, chắc hẳn sẽ là “món
quà” tinh thần giúp các bạn học sinh nhận thức và hiểu được ý nghĩa thời gian.
Từ đó nuôi dưỡng trong những tâm hồn bé bỏng ấy những suy nghĩ và hành động tốt
đẹp. Có thể nói rằng, cô chính là “nhịp cầu mơ ước” tiếp nối, chắp
cánh cho những em học sinh không chỉ trên chặng đường chinh phục tri thức mà
còn trên hành trình hoàn thiện nhân cách và đạo đức của mình:
“Từ mái trường này em sẽ lớn lên
Sẽ khắc trong tim bóng hình đất nước
Cô sẽ nối những nhịp cầu mơ ước
Để em vẽ hình Tổ quốc ở trong tim.”
(Chu Ngọc
Thanh)
Tác giả: Cô giáo
Hoàng Tôn Diệu Linh